Sau sự thành công đầy bất ngờ của mẫu smartphone giá rẻ Lumia 520, Nokia đã tung ra một quyết định vô cùng táo bạo, đó là thay vì hướng tới cạnh tranh trực tiếp ở phân khúc cao cấp cùng với các siêu phẩm Android, hãng điện thoại đến từ Phần Lan lại tập trung vào chiếm lĩnh thị trường smartphone giá rẻ. Và đây cũng là lý do để bộ 3 smartphone dòng X là X, X+ và XL ra đời.
Trong bộ 3 sản phẩm Android đời đầu của Nokia thì Nokia X được tập trung chú ý nhiều hơn cả. Điều này là bởi Nokia X là sản phẩm rẻ nhất trong số 3 mẫu điện thoại kể trên, và cũng là bởi đây là mẫu sản phẩm đầu tiên chạy Android của Nokia được phân phối chính thức trên thị trường. Với độ hot của thương hiệu Nokia cùng mức giá chỉ 2.5 triệu đồng cho một chiếc smartphone chạy Android, có lẽ chúng ta cũng không cần thiết phải nói nhiều về độ hot của sản phẩm. Vậy còn chất lượng mẫu máy này ra sao? Bài đánh giá dưới đây của chúng tôi sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời.
Cảm quan và thiết kế
Hài lòng là một cụm từ chính xác để có thể nói về phần cứng của Nokia X. Rõ ràng với một mức giá quá rẻ dành cho một chiếc smartphone chạy Android, người ta có lý do để khen ngợi Nokia khi được cầm tận tay và trải nghiệm thiết kế phần cứng xuất sắc của mẫu điện thoại này.
Không phải là thiết kế với lớp nhựa được làm bằng Polycarbonat như đa phần những mẫu Lumia được sản xuất hiện nay, tuy nhiên cách xây dựng bộ khung của Nokia vẫn tạo được cho người dùng cảm giác của một chiếc điện thoại được thiết kế cứng cáp và liền khối. Điều này đến từ cách đặt bộ khung của máy lọt hẳn vào trong phần ốp lưng ở phía ngoài. Vậy nên, khi lần đầu cầm Nokia X trên tay, chắc chắn không ít người sẽ lầm tưởng máy không có nắp lưng mà được thiết kế thành một thể thống nhất.
Tất cả các cạnh của Nokia X đều được thiết kế khá đơn giản. Máy chỉ gồm có sự xuất hiện của jack tai nghe 3.5 mm ở cạnh trên, đầu cắm micro USB ở cạnh dưới, phím nguồn và cụm phím bấm tăng giảm âm lượng ở cạnh phải, ngoài ra không hề có sự xuất hiện của một chi tiết lạ mắt nào khác hay một khe cắm đặc biệt nào.
Cạnh trên của máy chỉ xuất hiện duy nhất jack tai nghe 3.5
Cạnh dưới là sự xuất hiện của cổng micro USB
Cạnh bên phải gồm phím nguồn và cụm phím tăng giảm âm lượng
Trong khi cạnh bên trái hoàn toàn không có phím bấm nào
Bao quanh phần cạnh bên và mặt dưới của máy là một lớp nhựa nhám giúp chống bám vân tay và khá chắc. Lớp nhựa này đặc biệt cứng cáp và không dễ bị tác động hay xướt xát do các yếu tố từ môi trường. Vậy nên khi cầm máy trên tay Nokia X khiến cho người dùng có cảm giác rất chắc chắn và cứng cáp, dù rằng thiết kế quá vuông thành sắc cạnh không khỏi khiến tay người sử dụng có cảm giác bị cấn và đau khi sử dụng trong một khoảng thời gian dài.
Ở mặt trước, việc bố trí chỉ duy nhất một phím bấm giống như những chiếc điện thoại thuộc dòng Asha khiến cho việc thao tác trên Nokia X tương đối bất tiện. Cảm giác này khi sử dụng máy một thời gian cũng sẽ đỡ hơn, tuy vậy với một chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Android, rõ ràng việc chỉ có một phím điều hướng duy nhất khiến cho người dùng cảm thấy khó khăn trong việc sử dụng hơn rất nhiều.
Nhìn một cách tổng thể, có thể nói thiết kế của Nokia X là một sự thành công. Bởi lẽ chiếc điện thoại này hội tụ đầy đủ các yếu tố từ kiểu dáng, chất liệu cấu thành đến sự đầy đủ và đa dạng về màu sắc tùy theo sở thích của người sử dụng. Nếu nhìn ở một phạm vi bao quát hơn, trong tầm giá dưới 5 triệu đồng không nhiều mẫu điện thoại có thể cạnh tranh được với Nokia X ở khoản này.
Màn hình hiển thị
Theo như những gì được công bố từ nhà sản xuất và được ghi trên bao bì sản phẩm, Nokia X sở hữu màn hình hiển thị WVGA IPS 4 inch với độ phân giải 480*800 pixel. Màn hình này tương tự như những gì được sử dụng trên Lumia 520 – chiếc smartphone ăn khách của Nokia được tung ra thị trường trước đó.
Với mật độ điểm ảnh chỉ 233 ppi trên một màn hình 4 inch, thật khó để có thể nói rằng đây là một màn hình hiển thị có chất lượng tốt, đặc biệt là khi chúng ta có thể cảm nhận rõ vết răng cưa ở các chi tiết hiển thị trên màn hình. Với những người thường xuyên sử dụng các mẫu smartphone đắt tiền với chất lượng hiển thị cao, cảm nhận về màn hình của Nokia X là tương đối khó chịu. Tuy nhiên với mức giá chỉ 2.5 triệu đồng, thật khó để có thể đòi hỏi được gì hơn ở mẫu điện thoại này. Nhìn chung, khi để ở chế độ sáng cao nhất, màu sắc hiển thị của máy là khá tươi tuy nhiên khi mang ra ngoài trời, bạn sẽ có đôi chút khó khăn do màn hình bị lóa.
Khác với Lumia 520 được trang bị công nghệ cảm ứng siêu nhạy Super Sensetive giúp người sử dụng có thể thao tác với máy bằng các vật cứng như móng, đầu bút hay găng tay, Nokia X lại không được trang bị tính năng được khá nhiều người ưa chuộng này. Tuy nhiên bù lại, Nokia X được trang bị một tính năng khác, đó là Knock code. Với tính năng này, người sử dụng chỉ việc gõ vào màn hình 2 lần để có thể mở khóa.
Sau khá nhiều lần thử nghiệm không thành công, có cảm giác tính năng Knock code không được nhạy lắm với chiếc điện thoại này. Để có thể khởi động tính năng Knock code đối với chiếc điện thoại của Nokia, bạn phải gõ vào màn hình của máy 2 lần với một lực tương tác nhất định. Nếu gõ nhẹ quá, Nokia X sẽ không phản ứng với câu lệnh này. Vậy nên có khá nhiều lần khi phải sử dụng bằng một tay và dùng ngón tay cái để tương tác với màn hình của máy, chế độ knock code của Nokia X đã không hoạt động theo như ý muốn của người viết. Để có thể khắc phục điều này, bạn nên gõ mạnh vào màn hình của máy bằng tay còn lại. Trong trường hợp thao tác với máy chỉ bằng một tay, hãy gõ vào màn hình của máy bằng các đầu móng tay của bạn.
Cảm biến ánh sáng của máy cũng là không thực sự tốt khi mà trong nhiều trường hợp lúc đưa máy lên tai để thực hiện cuộc gọi, màn hình hiển thị của máy tắt đi nhưng khi đưa máy xuống phải một lúc lâu sau màn hình của máy mới trở lại bình thường.
Giao diện hệ điều hành & Hiệu năng sử dụng
Nokia X là một chiếc điện thoại hoạt động dựa trên nền tảng của hệ điều hành Android, tuy nhiên Nokia đã tùy biến và can thiệp khá nhiều vào giao diện của Android trước khi đưa nó vào trong sản phẩm của mình. Chính bởi vậy, giao diện trên chiếc điện thoại này không giống với giao điện trên những chiếc điện thoại Android truyền thống.
Giao diện hiển thị của Nokia X
Mẫu máy này được trang bị giao diện của Windows Phone với những biểu tượng chương trình dạng ô tiles, bạn cũng có thể phóng to, thu nhỏ các ô này như một điện thoại WP8 bình thường nhưng không có hiệu ứng động đặc trưng của nền tảng Windows Phone. Bên cạnh đó, giao diện trên Nokia X cũng giống với Windows Phone ở việc giữ phím nguồn rồi trượt màn hình xuống để tắt máy.
Nokia X được trang bị chip xử lý Snapdragon S4 lõi kép với tốc độ 1GHz của Qualcomm, cùng với đó là RAM 512 MB. Với các thông số kỹ thuật này, đây là một cấu hình được cho là quá tốt nếu đặt bên cạnh những mẫu smartphone khác trong cùng tầm giá. Tuy nhiên có một điều đáng tiếc là, cảm giác giật lác ngay từ lần đầu cầm máy trên tay ắt hẳn sẽ khiến cho người dùng phải cảm thấy đôi chút khó chịu.
Nokia X với phép thử Antutu Benchmark
Còn đây là kết quả với bài test Quadrant
Điều này là tương đối khó hiểu bởi với một cấu hình không phải là yếu, hơn nữa lại được hoạt động trên một giao diện được Nokia thiết kế riêng dựa trên nền tảng hệ điều hành Android và dành riêng cho mẫu điện thoại này, Nokia X đáng ra phải làm được nhiều hơn thế.
Để có thể hạn chế hiện tượng khó chịu này, giải pháp tốt nhất có thể đặt ra là Root máy. Chúng tôi đã thử tiến hành Root máy và cài đặt GO Launcher – một launcher khá phổ biến đối với người dùng Android và kết quả đạt được tương đối ấn tượng. Hiện tượng giật lác dù thi thoảng vẫn còn nhưng đã được giảm đi đáng kể, máy cũng hoạt động mượt mà hơn và đem lại cảm giác giống một chiếc điện thoại Android hơn.
Giao diện hiển thị của Nokia X sau khi cài đặt GO Launcher
Dù rằng đã có nhiều kiến nghị được đưa ra về việc không nên Root Nokia X ở thời điểm hiện tại do những lo ngại về các lỗi kĩ thuật có thể gặp phải. Tuy nhiên, nếu bạn đã chán ngán với cảm giác giật lác trên giao diện gốc của Nokia X, nếu bạn muốn thử một chút nghịch ngợm với chiếc điện thoại của mình, hãy Root nó.
Các bước để Root Nokia X đã được đăng tải trong một bài viết trước đó của lethangblog và bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng cũng như độ tỉ mỉ và rành mạch của các thao tác được nhắc đến trong bài viết này. Sau khi đã tiến hành Root Nokia X, thay vì phải sử dụng kho ứng dụng của Nokia hoặc một kho ứng dụng do bên thứ 3 phát triển, bạn có thể tải về và sử dụng các ứng dụng được cung cấp ngay trên kho ứng dụng Play Store của Google.
Camera
Với mức giá 2.5 triệu dành cho một chiếc smartphone nguyên seal, thật khó để có thể đòi hỏi chất lượng camera của Nokia X phải ở mức tốt nhất. Dù rằng như vậy, thật đáng tiếc khi phải nói rằng chất lượng camera là một điểm trừ đáng kể của mẫu điện thoại này.
Mức độ noise lớn, hình ảnh ám xanh là những đặc điểm dễ nhận thấy nhất trên các bức ảnh được chụp bởi Nokia X. Trong điều kiện ngoài trời và có ánh sáng tốt, chất lượng hình ảnh được cải thiện lên đáng kể, tuy nhiên với những ai biết về kiến thức nhiếp ảnh một chút đều có thể nhận thấy ảnh bị bệt màu tương đối nhiều. Khi chụp trong điều kiện môi trường kém hơn, thiếu sáng hình ảnh xuất ra lại bị ám xanh khá nặng.
Ảnh chụp của Nokia X trong điều kiện trời nắng đẹp
Trong điều kiện thiếu sáng, bức ảnh bị ám xanh
Camera trước thực sự cho chất lượng ảnh khá tệ
Cần phải nhắc lại một lần nữa rằng đây chỉ một mẫu máy có mức giá chưa đến 3 triệu đồng, vậy nên nếu cứ mổ xẻ tấm hình và đổ lỗi cho Nokia thì rõ ràng là một điều vô lý. Tuy vậy, nếu so sánh Nokia X với một mẫu máy giá rẻ vô cùng ăn khách khác và cũng được sản xuất bởi chính Nokia là chiếc Lumia 520, sự khác biệt đáng kể về chất lượng ảnh chụp giữa 2 mẫu máy này lại trở thành điều mà chúng ta đáng phải nhắc đến.
Điểm khác biệt lớn nhất ở đây giữa camera của Nokia X so với Lumia 520 là độ phân giải, tốc độ chụp hình cùng khả năng tự động bắt nét. Chưa kể đến màu sắc, khả năng khử nhiễu cùng mức độ cân bằng trắng giữa 2 mẫu máy này cũng có sự khác biệt tương đối nhiều, dù rằng giá của một chiếc Lumia 520 chính hãng nguyên seal giờ đây chỉ còn ở mức 2.6 triệu đồng, tức là ngang ngửa với mức giá bán ra của Nokia X.
Tổng kết
Với mức giá bán ra chỉ 2.55 triệu đồng, nếu chỉ xét trong vai trò của một người dùng đang kiếm tìm cho mình một chiếc smartphone, Nokia X xứng đáng là một sự lựa chọn khiến cho nhiều người phải suy nghĩ. Tuy nhiên nếu đặt trong vai trò là kẻ khởi đầu trong công cuộc chiếm lĩnh thị trường Android của Nokia, có lẽ chiếc điện thoại này đang thực sự gặp vấn đề. Vấn đề ở đây không phải là Nokia X không tốt mà là ở chỗ chiếc điện thoại này chưa đủ tốt để tạo ra một sự khác biệt đáng kể trên thị trường, giống như những gì mà người đàn anh Lumia 520 của nó đã và đang làm được.
Hy vọng rằng với 2 phiên bản mở rộng khác ra mắt sau đó là Nokia X Plus và XL những điểm yếu kể trên sẽ được Nokia cải thiện đi đáng kể. Nếu làm được như vậy không chỉ riêng mình Nokia mà những người tiêu dùng mới là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Một chiếc điện thoại Android giá rẻ lại hoạt động mượt mà? Ai mà không thích chứ.
Kết luận
6,8MOBILE
ĐÁNH GIÁ CHUNG
Nếu chỉ xét trong vai trò của một người dùng đang kiếm tìm cho mình một chiếc smartphone, Nokia X xứng đáng là một sự lựa chọn khiến cho nhiều người phải suy nghĩ. Tuy nhiên nếu đặt trong vai trò là kẻ khởi đầu trong công cuộc chiếm lĩnh thị trường Android của Nokia, có lẽ chiếc điện thoại này đang thực sự gặp vấn đề.
Đánh giá Nokia X: Chỉ giá 'ngon' thôi là chưa đủ
- ƯU ĐIỂM
- Thiết kế đẹp
- Giá thành hợp lý
- NHƯỢC ĐIỂM
- Máy chạy tương đối giật
- Chất lượng ảnh chụp không cao
- Màn hình độ phân giải thấp
- Cảm biến không thực sự nhạy
- Theo techz
Đăng nhận xét